https://ladyboyviet.wixsite.com/ladyboyvietnam

Breaking News

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền: 'LGBT trẻ VN không được bảo vệ'

 13 tháng 2 2020

'Giới trẻ LGBT Việt Nam không được bảo vệ' - HRW cho hay

NGUỒN HÌNH ẢNH,

HOANG DINH NAM/GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

'Giới trẻ LGBT Việt Nam không được bảo vệ' - HRW cho hay

Những cách hiểu sai lệch về xu hướng tính dục và bản sắc giới ở Việt Nam góp phần vào bạo lực và phân biệt đối xử, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho biết hôm 12/2.

Tình trạng này, theo HRW, đặc biệt được thể hiện rõ trong nhóm nữ đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới (LGBT).

Trong báo cáo dài 65 trang mang tên "Cô giáo nói tôi bị bệnh". Các rào cản đối với quyền tiếp cận giáo dục cho cộng đồng LGBT trẻ Việt Nam", HRW ghi lại việc giới trẻ LGBT ở Việt Nam đối mặt với sự kỳ thị và phân biệt đối xử ở nhà và ở trường trong khi có những nhận thức sai lạc rằng đồng giới là một dạng sức khỏe tâm thần có thể chẩn đoán và chữa được.

Nhiều người đồng tính đã bị quấy rối bằng lời và bị bắt nạt, một số trường hợp còn bị đánh.

Giáo viên thường không được đào tạo tốt để xử lý các trường hợp phân biệt đối xử với người LGBT và các bài giảng thường cho thấy quan niệm sai lầm phổ biến hiện nay rằng đồng giới là một căn bệnh.

Theo HRW, chính phủ Việt Nam cần thực hiện các cam kết bảo vệ quyền của người LGBT.

"Chính phủ Việt Nam đã cho thấy họ hỗ trợ cho quyền của người LGBT trong những năm gần đây, nhưng chưa thấy có sự thay đổi rõ rệt về chính sách," Graeme Reid, giám đốc về quyền của người LGBT tại HRW cho biết.

"Giới trẻ LGBT đặc biệt dễ bị tổn thương do không được bảo vệ đầy đủ về mặt pháp lý, và phải đối mặt với các thông tin sai lệch về xu hướng tính dục và bản sắc giới." Giám đốc Graeme Reid được trích lời.

Báo cáo này dựa trên các cuộc phỏng vấn với 52 bạn trẻ LGBT và giáo viên một số trường ở Việt Nam. Nó cũng phân tích các chính sách hiện hành và các cam kết mà chính phủ Việt Nam đã đặt ra để cải thiện tình trạng của cộng đồng LGBT.

Thông tin không chính xác về xu hướng tình dục và bản sắc giới lan tràn ở Việt Nam, và đặc biệt ảnh hưởng tiêu cực tới giới trẻ, theo HRW.

Trong khi Việt Nam có một số luật cấm phân biệt đối xử và duy trì quyền được đi học cho mọi trẻ em, thì chương trình giáo dục quốc gia và chính sách giáo dục giới tính hiện nay không đạt tiêu chuẩn quốc tế và không bao gồm các thảo luận bắt buộc về xu hướng tính dục và bản dạng giới.

Mặc dù một số giáo viên và trường học đã tự đưa ra những bài học như vậy, việc thiếu đồng bộ ở cấp quốc gia khiến phần lớn học sinh ở Việt Nam không có các kiến thức cơ bản về xu hướng tính dục và bản dạng giới, HWR cho hay.

"Tôi chưa bao giờ được dạy về LGBT,", Phạm Tuyền, một phụ nữ lưỡng tính 20 tuổi, nói với HRW.

"Có rất ít người nghĩ rằng điều này là bình thường." Một nhà tư vấn ở trường học cho hay. "Giới trẻ chịu rất nhiều áp lực rằng họ phải 'thẳng'. Và người ta vẫn tin rằng bị cuốn hút bởi người cùng giới là một biểu hiện có thể chữa được."

Năm 2019, Bộ Giáo dục Việt Nam đó có một động thái đầy hứa hẹn, là cùng với Liên Hiệp Quốc xây dựng hướng dẫn cho môn học về giáo dục giới tính, trong đó có đồng giới. Nhưng môn học này mãi tới nay vẫn chưa có.

HRW nhận thấy quấy rối bằng ngôn từ rất phổ biến trong cộng đồng LGBT. Một số em trong cộng đồng LGBT cho hay ở một số trường, giáo viên và các học sinh khác thường dùng những lời lẽ xúc phạm khi nói về cộng đồng LGBT, hoặc là chủ đích nhắm vào các em LGBT trong lớp, cùng với các đe dọa bạo lực khác.

Các nghiên cứu khác của các cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc và các nhóm tại Việt Nam cũng cho các bằng chứng tương tự.

Một dù có vẻ ít phổ biến hơn, nhưng một số bạn trẻ LGBT đã báo cáo về việc bị áp bức bằng bạo lực. "Họ thường quấy rối bằng lời nói nhưng một lần, tôi đã bị bốn học sinh nam lớp Tám đánh vì họ không thích vẻ ngoài của tôi," một bạn được phỏng vấn cho biết.

Đại đa số bạn trẻ LGBT được phỏng vấn cho hay cảm thấy không thoải mái khi báo cáo về việc bị xâm phạm hay bắt nạt ở trường. Nguyên nhân, đôi khi, là do thái độ thành kiến của các nhân viên trong trường; hoặc do các em cảm thấy không an toàn khi nói với người lớn về việc bị bắt nạt.

Một số trường hợp khác dù không bị bắt nạt hay xâm phạm, thì lại bị người thân, bạn bè, giáo viên xa lánh.

Năm 2016, với tư cách là thành viên Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Việt Nam đã bỏ phiếu ủng hộ một nghị quyết về bảo vệ người LGBT, chống bạo lực và phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục và bản sắc giới.

"Chính phủ khẳng định sẽ song hành với sự thay đổi mang tính toàn cầu trong việc tôn trọng quyền của người LGBT, báo hiệu ý chí chính trị để thực hiện các thay đổi cần thiết về chính sách và luật pháp," ông Reid nói. "Bảo vệ những người trẻ tuổi khỏi bạo lực và phân biệt đối xử và đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục của họ dựa trên thực tế thay vì định kiến là bước quan trọng đầu tiên."